Home » Công bố dự án thế chấp ngân hàng: Hiểu sao cho đúng?
Tại tọa đàm “Dự án thế chấp ngân hàng – Hiểu sao cho đúng?” tổ chức mới đây nhiều chủ đầu tư đã lên tiếng ủng hộ việc công bố thông tin dự án thế chấp, nhưng nhiều người e ngại việc công bố thông tin chưa rõ ràng và cụ thể không chỉ khiến cho chủ đầu tư bị ảnh hưởng mà còn tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản.
Cần bộ tiêu chí cụ thể
Ngay sau khi vụ việc chấn động tại chung cư The Harmona (quận Tân Bình, TP.HCM) xảy ra, nhằm đảm bảo quyền lợi người mua nhà và tăng tính minh bạch của thị trường bất động sản, Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM đã công khai danh sách 77 dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng. Động thái này ngay lập tức gây ra những ảnh hưởng trái ngược trên thị trường.
Ông Nguyễn Khánh Hưng – Giám đốc điều hành Tập đoàn Đất Xanh cho rằng, việc công bố thông tin là cần thiết tuy nhiên để các doanh nghiệp có căn cứ và dễ dàng hơn thì cần có những bộ tiêu chí về thông tin công bố cụ thể.
“Những tiêu chí quan trọng nhất buộc phải có: Một là lấy cái gì thế chấp, thế chấp cho ai; Hai là thế chấp bao nhiêu tiền; Ba là thế chấp vì mục đích gì?. Những thông tin khác nhạy cảm, đảm bảo về bí mật kinh doanh được pháp luật bảo vệ như lãi suất, ưu đãi thanh toán thì không cần thiết phải công bố”.
Cũng theo ông Hưng, việc công bố thông tin hiện nay chưa giao đúng vị trí. Trách nhiệm công bố thông tin phải được quy định cho ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản vì họ là những người trong cuộc nắm rõ nhất mọi vấn đề.
Mặt khác, cần phải có những chế tài thật cụ thể để xử lý trong trường hợp doanh nghiệp, ngân hàng không chủ động công bố thông tin để đảm bảo sự công bằng. Các công ty niêm yết thì mọi thông tin đều phải được công khai trên sàn, ngược lại với doanh nghiệp chưa niêm yết thì họ không bắt buộc nên việc công khai thông tin là rất khó.
“Vấn đề là giao chưa đúng người, giao việc công bố thông tin cho Sở Tài nguyên và Môi trường là chưa phù hợp. Tôi cho rằng 80% là trách nhiệm minh bạch của tổ chức kinh doanh, đó là người làm bất động sản và ngân hàng. Vì ngân hàng cho vay lấy lãi là một hình thức kinh doanh. 20% còn lại thì nên thành lập một cơ quan mà có sự phối hợp của tất cả các cơ quan nhà nước với nhau”, ông Hưng cho biết.
Việc công bố thông tin chưa rõ ràng sẽ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản
Ông Lê Hữu Nghĩa – Giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng, thực chất việc thế chấp ngân hàng là chuyện rất bình thường và đã xảy ra hàng chục năm nay và hầu hết các doanh nghiệp đều thế chấp để vay ngân hàng làm dự án. Tuy nhiên, có một hai vụ do chủ đầu tư yếu kém hoặc ngân hàng không quản lý tốt dòng tiền khiến cho việc thế chấp này trở nên “nguy hiểm” trong mắt người mua nhà.
“Trong trường hợp này luật pháp đã quy định rất rõ vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp và ngân hàng cho vay, khi xảy ra sai phạm thì cứ căn vào luật mà xử trực tiếp doanh nghiệp và ngân hàng đó”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, nếu đã không công bố thì thôi nhưng đã công bố thì phải rõ ràng, đầy đủ tránh công bố kiểu chung chung dễ gây hiểu nhầm và thiệt thòi cho doanh nghiệp.
“Cùng thực hiện một dự án có quy mô vốn khoảng 1.000 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp A chỉ thế chấp vay 45 tỷ khác hẳn với doanh nghiệp B thế chấp vay 500 tỷ. Nhưng khi đưa ra danh sách thế chấp thì lại không nói rõ điều này, nên doanh nghiệp vay ít cũng như vay nhiều đều chịu chung số phận như nhau”, ông Nghĩa phân tích.
Làm rõ mục đích thế chấp
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoRea) phân tích, việc công khai thông tin là cần thiết nhưng phải nhìn nhận là việc công bố thông tin vừa rồi cũng có nhược điểm, chẳng hạn khách hàng của chủ đầu tư có tên trong danh sách thế chấp nhưng doanh nghiệp đó không thế chấp. Hay danh sách không cập nhật theo thời gian thực, ví như ngày hôm nay công bố mà trước đó đã có đơn vị đã rút thế chấp.
“Theo tôi chúng ta phải cố gắng làm rõ thêm thông tin là mục đích thế chấp dự án là để làm gì. Chẳng hạn có doanh nghiệp không thế chấp nhưng khi bán cho khách hàng phải có điều kiện là thế chấp ngân hàng để để có bảo lãnh của ngân hàng trước khi bán theo Luật Kinh doanh bất động sản. Nhưng cũng có tên trong danh sách này, gây ảnh hưởng không tốt cho doanh nghiệp”, ông Châu cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Ngọc Liên – Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai, Sở TNMT TP.HCM cho rằng, chính doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng là những người trên đường chạy, những cơ quan quản lý chỉ đứng bên lề, họ đâu có cùng trong đường chạy. Tuy nhiên, hoạt động của ngân hàng ngặt nghèo nhưng không phải tất cả đều không công bố được.
“Người tham gia cuộc chơi mà không công bố để những người quản lý công bố (Sở Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước) thì sự kịp thời và linh hoạt không bằng người trong cuộc. Do đó, để nhanh chóng và linh hoạt thì quan trọng nhất là doanh nghiệp và ngân hàng chủ động trong việc cung cấp thông tin. Sau đó, người dân khi biết thông tin thì có thể đến những cơ quan quản lý để kiểm chứng có đúng sự thật hay không” – ông Liên cho biết.
Trong tương lai gần, ông Liên mong muốn xây dựng được một cơ sở dữ liệu về thông tin của các dự án, trong đó có sự đồng bộ của tất cả những đầu mối thông tin để việc tra cứu này là một thủ tục công, thông tin được cập nhật liên tục, theo thời gian thực.
Theo Enternews
Tags: bất động sản, dự án, ngân hàngICON40 là dự án căn hộ cao cấp[...]
Với vốn ban đầu từ 330 triệu đồng,[...]
Phường Hùng Thắng trước kia là một hòn[...]
Khi thị trường BĐS bước vào giai đoạn[...]
Kinh tế đêm là nguồn thu lợi nhuận[...]
Được đánh giá là thủ phủ du lịch[...]
Khi sức tải ở khu vực trung tâm[...]
Những dự án mang phong cách resort living[...]
Hầu hết các nhà đầu tư kỳ vọng,[...]
Kịch bản của thị trường bất động sản[...]
© Bản quyền website thuộc về Sàn giao dịch BĐS THMLAND