Đại gia Việt đua nhau rót tiền vào bất động sản nước ngoài

Nhà đầu tư Việt Nam “đổ” tiền vào các dự án bất động sản (BĐS) nước ngoài không còn là câu chuyện mới mẻ.

Xu hướng đầu tư BĐS ở nước được coi là kênh đầu tư dài hơi và hứa hẹn sinh lợi trong tương lai của nhiều nhà đầu tư Việt Nam.

Những dự án tại thị trường Đông Nam Á đang được giới đầu tư Việt Nam quan tâm

Tìm kiếm kênh đầu tư “dài hơi”

Đầu tư bất động sản ở nước ngoài âm thầm diễn ra những năm sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khi giá nhà ở những nước phát triển xuống thấp bởi bong bóng bất động sản đổ vỡ.

Sự dịch chuyển và tìm kiếm các kênh đầu tư thay thế sản phẩm truyền thống nội địa đang diễn ra khá mạnh mẽ tại thị trường Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Myanmar… Nguyên nhân là bởi các khu vực này kết nối thuận tiện với Việt Nam (hơn 15 chuyến bay/ngày), nền kinh tế các nước này đang đà tăng trưởng bền vững, môi trường kinh doanh rộng mở thu hút các công ty đa quốc gia, hệ thống giáo dục phát triển…

Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Hoàng Nguyên Đức (Bầu Đức) đã lấn sân thị trường BĐS Myanmar, Lào, Thái Lan, Nhật Bản và có những thành công nhất định. Vị doanh nhân này đã từng phát biểu rằng thị trường BĐS Việt Nam không còn là “con gà đẻ trứng vàng” và ông ưu tiên tập trung cho thị trường Myanmar…

Hoàng Anh Gia Lai đã rót rất nhiều tiền cho các dự án ở Myanmar, trong đó có dự án Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center ở thành phố Yangon. Dự án Myanmar Center khởi công từ năm 2013 với tổng vốn đầu tư dự kiến là 440 triệu USD. Đây là khu phức hợp bất động sản gồm trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn 5 sao và căn hộ cao cấp tại Yangon. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thiện và đi vào hoạt động. Hoàng Anh Gia Lai dự kiến sẽ rót 230 triệu USD cho giai đoạn 2 của dự án.

Dù chưa hoàn thiện, dự án bất động sản Myanmar đã mang về cho Bầu Đức cả triệu đô

Mới đây, 3 siêu dự án tại Singapore là Wallich Residence, Leedon Residence và Sims Urban Oasis của Tập đoàn GuocoLand Limited (GuocoLand) chính thức được giới thiệu đến giới nhà giàu Việt Nam. Sự kiện thu hút không ít doanh nhân và chuyên gia trong ngành theo dõi thông tin dự án.

Malaysia cũng chào bán căn hộ cao cấp Star Residences Two tại Tp.HCM. Được biết có 11 khách hàng Việt Nam đã đăng ký giữ chỗ mua căn hộ này. Theo chủ đầu tư dự án, Malaysia là quốc gia có chính sách mua nhà cho người nước ngoài rất tốt.

Một phi vụ đầu tư bất động sản tại nước ngoài thành công phải kể đến thương vụ của ông Trầm Bê – một đại gia trong làng bất động sản Việt Nam khi bỏ ra 64 triệu USD để mua lại một phần khu mua sắm Vallco Shopping Mall (bang California, Mỹ) vào năm 2009. Sau đó, dù nhiều công ty thương lượng mua lại phần vốn này, trong đó có cả hãng Apple, nhưng ông Trầm Bê vẫn không bán. Năm 2014, ông chuyển nhượng lại khu thương mại này với giá 116 triệu USD.

Một đại gia khác là Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, cũng đã có những khoản đầu tư xây dựng khách sạn, khu thương mại, văn phòng rất quy mô tại những nước láng giềng của Việt Nam.

Đầu tư bất động sản ở nước ngoài đang thu hút nhiều nhà đầu tư Việt Nam

Nhóm nhà đầu tư cá nhân

Nhóm thứ nhất là những người vì một số lý do muốn định cư tại nước ngoài, mua nhà để đoàn tụ gia đình và để lại cho con cái. Nhóm thứ hai là những người rất giàu và nay lại ngại mạo hiểm, muốn phân bổ rủi ro bằng việc đầu tư bất động sản ở các nước tương đối ổn định để bảo toàn tài sản.

Thứ ba là nhóm vừa định cư vừa đầu tư để hưởng các phúc lợi của nước sở tại như sở hữu thẻ xanh, quốc tịch, các ưu đãi về thuế, kinh doanh, giáo dục…, hoặc các điều kiện sống, cơ sở vật chất tiên tiến của nước đó.

Thứ tư là nhóm trung lưu hoặc trên trung lưu với đặc điểm là tuổi đời trẻ, tích lũy tài sản vừa phải và mong muốn định cư ở nước ngoài để phát triển. Đây tạm gọi là nhóm “tìm vùng trời mới” tại những nước có luật về doanh nghiệp mới thành lập, start-up hấp dẫn như Singapore.

Theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA), các dự án nước ngoài được giới nhà giàu Việt Nam đánh giá cao bởi môi trường sống và hệ thống giáo dục tốt.

Cân nhắc các yếu tố đầu tư

Môi trường đầu tư rộng mở, kinh tế ổn định, khoảng cách địa lý gần… là những mặt thuận lợi khi nhà đầu tư lựa chọn các dự án khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, bên cạnh đó, so với dự án trong nước, dự án nước ngoài đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn hơn, đa phần là các dự án hướng đến đối tượng khách mua, thuê cao cấp.

Theo ông Michael Đặng, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Anpha Holdings, những cá nhân, đơn vị trường vốn và hiểu rõ về thị trường đầu tư và nhu cầu khách hàng nước ngoài thì mới nên “đổ” tiền vào dự án nước ngoài.

Ông Michael Đặng, cho rằng, để đạt được kết quả tốt, nhà đầu tư nên xác định mục tiêu đầu tư rõ ràng, cân nhắc hai yếu tố “kênh giữ tiền an toàn” và “kênh đầu tư sinh lợi”, từ đó lựa chọn quốc gia để đầu tư. Một quốc gia tốt để đầu tư nên hội đủ yếu tố nguồn cung đất đai hữu hạn, kinh tế có nhiều động lực phát triển bền vững, chính phủ hiệu quả, có tầm nhìn rõ ràng, chính sách đầu tư và kinh doanh thông thoáng. Về vị trí của BĐS nên chọn lựa gần các tiện ích xã hội như trạm tàu điện ngầm, gần các nguồn cầu cho thuê như trường đại học, cao ốc văn phòng của các Tập đoàn đa quốc gia.

Ông Lưu Minh Ngọc, Giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển Bất động sản Bắc Sơn, cho biết, các cơ hội đầu tư bất động sản ở nước ngoài khá hấp dẫn với nhà đầu tư với tư cách cá nhân, vì tiền cho thuê nhà hàng tháng cao hơn lãi suất gửi ngân hàng ở nhiều nước, có khi ở mức 4-5% so với lãi suất ngân hàng gần bằng không. Trong khi đó ở Việt Nam, tiền thuê nhà chỉ vào khoảng 3-4% giá trị nhà, thấp hơn khi lãi suất huy động là 7-8%.

Đối với đối tượng doanh nghiệp thì việc đầu tư ra nước ngoài khó hơn do các chính sách của Việt Nam lẫn nước ngoài. Theo ông Lưu Minh Ngọc, lý do chính khiến doanh nghiệp trong nước hiện vẫn chưa mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài vì luật đầu tư ra nước ngoài chưa được hoàn thiện. Vì hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh nên các doanh nghiệp phải dựa vào dịch vụ và phải chịu mức phí cao, rủi ro và nếu có biến cố thì sẽ chịu thiệt rất nhiều vì luật pháp chưa hoàn toàn bảo vệ.

Nhìn chung, trong khi thị trường bất động sản tại các nước đang phát triển như Việt Nam tăng trưởng “nóng”, thu hút nhà đầu tư nước ngoài với lợi nhuận cao thì nhà đầu tư Việt Nam sau bao năm tích luỹ lại muốn đầu tư ở các nước ổn định để phân bổ rủi ro và duy trì tài sản.

Theo VOV

Tags: ,

Tin thị trường

Mua Nhà – Bài Toán Cho Người Trẻ Quảng Ninh

Với vốn ban đầu từ 330 triệu đồng,[...]

Sức Hút Của Bất Động Sản Tại Trung Tâm Mới Hùng Thắng

Phường Hùng Thắng trước kia là một hòn[...]

Dòng Tiền Bất Động Sản Chuyển Hướng Cuối Năm 2022

Khi thị trường BĐS bước vào giai đoạn[...]

Kinh Tế Ban Đêm “Mỏ Vàng” Của Quảng Ninh

Kinh tế đêm là nguồn thu lợi nhuận[...]

Du Lịch Hạ Long Có Nhiều Tiềm Năng Và Du Lịch Để Cất Cánh

Được đánh giá là thủ phủ du lịch[...]